Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
4
3
4
3
6
3

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2

Số liệu chuyên ngành

Thuận Hạnh, Công trình cấp nước gần 10 tỷ vừa bàn giao đã hư hỏng



Năm 2011, Dự án Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung các thôn Thuận Hòa, Thuận Tân và Thuận Thành, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (gọi tắt là công trình cấp nước) được Sở Kế hoạch & Đầu tư phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật.
 
Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho 518 hộ dân trên địa bàn 3 thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu bệnh tật do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.
 
Công trình có khả năng cấp nước 242 m3/ngày đêm; tổng vốn dự toán là gần 10 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng gần 7 tỷ. Nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 90%, ngân sách huyện và huy động nhân dân đóng góp 10%.
 
Công trình gồm các hạng mục: Nhà quản lý, giếng khoan, bơm, hệ thống xử lý nước, bể chứa, đài nước và hệ thống đường ống phân phối. Thời gian thi công và hoàn thành dự kiến từ năm 2011-2013.
 
Công trình cấp nước được đầu tư gần 10 tỷ mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng
 
Đến tháng 7/2014, sau khi có đề nghị của UBND huyện Đắk Song, Sở Kế hoạch & Đầu tư phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế-kỹ thuật công trình này. Thời điểm này, công trình được giảm công suất cấp nước xuống còn 284 hộ dân trên địa bàn 3 thôn, khả năng cấp nước chỉ còn 124 m3/ngày đêm. Trong khi đó, kinh phí đầu tư vẫn không thay đổi. 
 
Ngày 12/5/2015, UBND huyện Đắk Song ban hành Quyết định số 1159/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung bản vẽ thi công dự toán công trình cấp nước sinh hoạt. Trong đó, tổng mức đầu tư vẫn giữ nguyên gần 10 tỷ, kinh phí xây dựng tăng lên 7,229 tỷ đồng. Nguyên nhân điều chỉnh là thay đổi một số thiết bị như tuyến ống, đài nước, hệ thống xử lý nước, bơm và tủ điện.
 
Sau khoảng 1 năm triển khai thi công, đến ngày 23/10/2015, công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho UBND xã Thuận Hạnh đưa vào sử dụng. Trong biên bản bàn giao có ghi rõ, đơn vị thi công có trách nhiệm bảo hành công trình 12 tháng kể từ ngày bàn giao. UBND xã Thuận Hạnh có nhiệm vụ thành lập tổ khai thác, vận hành công trình theo đúng quy định.
 
Trong thời gian bảo hành, đến tháng 8/2016, dầm sàn của đài nước bị cong, đường ống nước bị cong. Đến ngày 11/3/2017, một số đường ống chính bị đào vỡ. Ban Quản lý các dự án cùng tổ khai thác, vận hành tổ chức kiểm tra thì hệ thống bơm từ giếng lên hệ thống xử lý không hoạt động. Các bên đã thống nhất đề nghị UBND huyện bàn giao công trình cho một đơn vị có đủ năng lực để khai thác, quản lý theo đúng quy trình kỹ thuật.
 
Đài nước có những dấu hiệu không bảo đảm an toàn, đặt tại khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận Hạnh
 
Ngày 26/9/2017, UBND xã Thuận Hạnh có Công văn số 55/UBND-VP đề nghị UBND huyện Đắk Song bàn giao, bố trí 1 đơn vị có đủ năng lực để quản lý, khai thác có hiệu quả công trình. Bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết, khi thẩm định, nghiệm thu kỹ thuật công trình thì UBND xã và các thôn không biết gì về kỹ thuật. Chỉ khi Ban Quản lý các dự án huyện thông báo là công trình đã thi công xong, tiến hành làm thủ tục bàn giao cho UBND xã và các thôn quản lý, khai thác thì chúng tôi tiếp nhận.
 
Khi bàn giao xong, tổ khai thác vận hành của xã vận hành hệ thống máy bơm không hoạt động được. Kể từ đó đến nay, công trình cấp nước “bị đắp chiếu”. UBND xã đã nhiều lần đề nghị Ban Quản lý các dự án huyện, các đơn vị liên quan vào kiểm tra, sửa chữa, khắc phục để hệ thống máy bơm hoạt động trở lại nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
 
Được biết, sau khi nhận bàn giao, tổ quản lý vận hành công trình cấp nước đã lập danh sách các hộ dân có nhu cầu đăng ký sử dụng nước sạch. Sau đó, các hộ bỏ ra khoảng 800 ngàn đến 1,5 triệu đồng để đầu tư hệ thống ống dẫn nước, đồng hồ đo… Tuy nhiên, sau khi lắp đặt thì các hộ dân vẫn chưa được sử dụng một giọt nước sạch nào.
 
Tại Kết luận số 180/KL-TTr, ngày 10/10/2017 của Thanh tra tỉnh, giá trị quyết toán công trình cấp nước tập trung tại Thuận Hạnh tăng hơn 148 triệu. Nguyên nhân là do áp dụng đơn giá ca máy không đúng quy định của Bộ Xây dựng. Thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi lại số tiền này nộp vào ngân sách tỉnh. Theo Thanh tra tỉnh, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị tư vấn thiết kế, trách nhiệm liên quan thuộc về UBND huyện Đắk Song, Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song, Phòng Kinh tế hạ tầng và nhà thầu thi công.
 
Ông Mai Văn Tâm, thôn Thuận Tân bức xúc: Khi có chủ trương đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì sẽ có nước sạch để sinh hoạt. Hầu hết các hộ đã đầu tư đường ống, đồng hồ đo để chuẩn bị lắp đặt hệ thống đưa nước sạch về nhà sử dụng. Gia đình tôi cũng bỏ ra gần 2 triệu để mua các thiết bị tốt nhất. Nhưng khi lắp đặt xong thì nghe thông báo là công trình đã hư hỏng, không bơm nước lên được. 
 
Đài nước của công trình được đặt tại khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận Hạnh, cách nhà máy bơm nước khoảng gần 5km, có dung tích 30m3. Ông Lê Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân khẳng định, ban đầu, ban giám hiệu nhà trường cũng không đồng ý để đài nước trong nhà trường vì sợ ảnh hưởng đến các cháu học sinh. Sau khi được lãnh đạo Ban Quản lý các dự án huyện, chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh (đã nghỉ hưu-PV) thuyết phục, và vì lợi ích của người dân nên nhà trường đã đồng ý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ngờ rằng, giá đỡ của đài nước lại quá yếu, ngay sau khi bơm nước lên lần đầu thì đã bị xiêu vẹo, dầm sàn của đài nước bị cong, đường ống nước cũng bị cong.
 
Sau đó, đài nước được khắc phục bằng cách lắp đặt một ống thoát ở khoảng 2/3 đài để giảm dung tích chứa nước. Tuy vậy, Ban giám hiệu nhà trường vẫn mong muốn và đề nghị di dời đài nước sang một địa điểm khác để tránh sự nguy hiểm, rủi ro cho học sinh.
 
Công trình cấp nước sinh hoạt có vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, chưa sử dụng đã phải “đắp chiếu” khoảng hai năm nay. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan. Do vậy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng khắc phục, sửa chữa để đưa công trình vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn 3 thôn Thuận Tân, Thuận Hòa và Thuận Thành. Quan trọng hơn là tránh sự lãng phí ngân sách Nhà nước và tiền đóng góp của người dân.

Bản in