Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
4
3
4
3
6
3

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2

Tin trong nước

“Tái định hình thị trường tài chính cho phục hồi và phát triển kinh tế”



 

Đó là chủ đề của Hội thảo quốc gia được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Trường Đại học Thương mại tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào sáng 16/6 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý đại diện các bộ, ngành; các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên đến từ các Viện nghiên cứu lĩnh vực kinh tế tài chính và các trường đại học.

Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu khai mạc

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CLTC) cho biết, đại dịch Covid-19 cùng với những căng thẳng địa - chính trị đã gây ra những thách thức kinh tế, tài chính nghiêm trọng trên toàn cầu và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, ổn định vi mô và cuộc sống cho người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các chính sách và giải pháp tài chính đã được quan tâm xây dựng để thị trường tài chính (TTTC) phát triển lành mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trong giai đoạn 2016 - 2021, TTTC đã có bước phát triển nhanh theo đúng định hướng trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa TTTC và thị trường tiền tệ. TTTC cũng đã góp phần quan trọng vào các vấn đề về đầu tư công, nợ công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Các cấu phần của TTCK bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, TTCK phái sinh… là cơ sở vững chắc cho TTTC từ nay đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5% trong giai đoạn 2016 - 2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) là 22,7% GDP; quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 16,4% GDP; qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP), góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.

 

Hiện nay, TTCK có 757 cổ phiếu qũy niêm yết, 858 doanh nghiệp đăng ký giao dịch upcom và hơn 5,2 triệu tài khoản của các nhà đầu tư. Từ tháng 4/2022, thị trường đã có bước điều chỉnh, tuy nhiên quy mô trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt 11.747 tỷ đồng/phiên; giao dịch tăng 8,1% so với bình quân 2021. Đây là con số rất ấn tượng của thị trường vốn. Tuy nhiên, TTTC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như phát triển chưa sâu, bị tác động bởi tâm lý, ảnh hưởng của thị trường tiền tệ thế giới. Ngoài ra, việc huy động vốn TPDN còn nhiều vấn đề, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, cần phải có các giải pháp nhằm phát triển TTTC, thị trường vốn, TTCK lành mạnh, an toàn trên cơ sở rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để triển khai các giải pháp quản lý điều hành đến thị trường.

 

TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh, việc nhận diện các xu hướng, đánh giá các cơ hội và nhận diện các rủi ro từ sự phục hồi và phát triển kinh tế tới TTTC sẽ gợi mở các giải pháp, đối sách phù hợp cho các nhà hoạch định chính sách, các định chế tài chính, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung - Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã gây ra những thách thức kinh tế, tài chính nghiêm trọng trên toàn cầu. Kinh tế thế giới bước sang năm 2022 với những dự báo về khả năng phục hồi của các nền kinh tế trên diện rộng, đi kèm với những cảnh báo về lạm phát. Đại dịch Covid-19 cùng với những căng thẳng địa - chính trị đã làm gia tăng thách thức đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế và tạo nên nhiều xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn tới. Xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.

 

Tại Việt Nam, nỗ lực thúc đẩy nhanh phục hồi kinh tế vĩ mô, ổn định vi mô và cuộc sống cho người dân thể hiện qua sự ban hành liên tiếp các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2022… với mục tiêu chung là nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu và phục hồi nhanh từ cuộc khủng hoảng hiện tại, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, chủ động ngăn ngừa các tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới, ứng phó với những vấn đề khủng hoảng năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị. Những mục tiêu trên làm gia tăng áp lực đối với hệ thống tài chính nói chung, thị trường tài chính nói riêng trong việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Việc nhận diện các xu hướng, đánh giá các cơ hội và nhận diện các rủi ro từ sự phục hồi và phát triển kinh tế tới TTTC sẽ gợi mở các giải pháp, đối sách phù hợp cho các nhà hoạch định chính sách, các định chế tài chính, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

 

Tham gia tham luận tại Hội thảo, TS. Vũ Xuân Dũng và ThS. Lê Thùy Dương, Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Thương mại) đã đưa ra kinh nghiệm điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của một số quốc gia trên thế giới (Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc) trong đại dịch Covid-19. Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra 5 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, gồm: (i) Việc áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào nguồn lực, năng lực sử dụng các công cụ chính sách hiện hữu và bản chất rủi ro mà mỗi quốc gia phải đối diện; (ii) Các quốc gia có xu hướng sử dụng kết hợp ngay từ đầu giữa các công cụ chính sách tài khóa với các công cụ của chính sách tiền tệ; (iii) Về chính sách tài khóa, trên quy mô toàn cầu, chủ yếu sử dụng các biện pháp chi tiêu trực tiếp từ ngân sách cho cá nhân chịu tác động và giảm thuế cho các doanh nghiệp; (iv) Về chính sách tiền tệ, chủ yếu sử dụng các biện pháp hỗ trợ thanh khoản bởi NHTW, mua lại tài sản, điều chỉnh tỷ giá và cắt giảm lãi suất; (v) Về chính sách tín dụng: Các quốc gia có xu hướng tăng cường hỗ trợ cho người vay và nới lỏng tín dụng.

 

Trong khi đó, đi sâu vào phân tích chính sách tiền tệ với vai trò điều tiết nền kinh tế trong bối cảnh mởi ở Việt Nam, ThS. Phùng Thị Thu Hương và ThS. Cù Nguyễn Hà Trang (Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu thực trạng chính sách tiền tệ Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022, với trọng tâm vào các nội dung nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất, cho vay tái cấp vốn, tỷ giá hối đoái. Từ những kết quả đặt được và thách thức của chính sách tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh mới, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 4 khuyến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước trong tương lai. CSTT cần được thích ứng kịp thời với diễn biễn thị trường trong và ngoài nước, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022. Bên cạnh đó, NHNN cần cân nhắc tiếp tục hạ lãi suất điều hành qua công cụ cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu, tăng cung ứng vốn cho các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay đối với các chủ thể sản xuất - kinh doanh nhằm cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng trong nước. Mặt khác cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là xây dựng Luật Phòng, Chống rửa tiền (sửa đổi). Để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu, trong dài hạn, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, đặc biệt là sau khi Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi phát biểu tại Hội thảo

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh 6 vấn đề cần lưu ý hiện nay đối với TTTC, gồm: Nhu cầu tín dụng lớn, lãi suất, nhập khẩu lạm phát, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng, nợ xấu và nợ có khả năng trở thành nợ xấu, bình thường hóa chính sách tiền tệ. Do đó, việc nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, giải quyết được những thách thức đối với những vấn đề nêu trên sẽ giúp ích lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ và Chính phủ.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Như Quỳnh và ThS. Lưu Ánh Nguyệt (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) nhấn mạnh các thách thức mới trên TTTC và sự gia tăng của các loại rủi ro đi kèm với tăng trưởng quá nóng, nguy cơ giá rời xa giá trị thực của tài sản chính, nợ xấu, thao túng giá… có thể gây hệ lụy tới sự phục hồi kinh tế những năm tới. Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi, phát triển của nền kinh tế, TTTC cần củng cố chất lượng tăng trưởng, đảm bảo hoạt động an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Đối với vấn đề tài chính xanh, ThS. Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho biết, cơ hội cho TTTC xanh của Việt Nam rất lớn, đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt từ cớ chế thị trường giúp Việt Nam thiết lập nhiều công cụ chính sách tài chính, tiền tệ hữu ích thu hút dòng vốn công - tư cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, tài chính xanh Việt Nam đang đối diện với 3 thách thức lớn: Thiếu vốn; chính sách hỗ trợ đối với tài chính xanh thiếu; nhận thức, thói quen tiêu dùng xanh chưa cao. Hệ thống tài chính cũng phải đối diện với 3 rủi ro nghiệm trọng: Rủi ro chuyển đổi; quỹ tài chính, bảo hiểm; thay đổi giá tài sản. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra 6 thách thức lớn khi triển khai thực thi Chiến lược ESG của các tổ chức tài chính và đưa ra 8 khuyến nghị chính sách nhằm phát triển TTTC xanh ở Việt Nam, hướng tới quản trị phát triển bền vững theo ESG.

 

TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện CLTC phát biểu bế mạc Hội thảo

 

Tổng kết Hội thảo, TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện CLTC cho biết, Hội thảo đã có nhiều ý kiến xoay quanh 3 nhóm nội dung chính: (i) Xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ - tài chính từ chính sách cho phục hồi, phát triển khi nền kinh tế chịu tác động mạnh của Covid-19 sang thu hẹp các chính sách nới lỏng khi tăng trưởng kinh tế phục hồi, áp lực lạm phát gia tăng; (ii) Nhận diện các yếu tố chủ đạo định hình lại vai trò, chức năng, hoạt động của TTTC toàn cầu hiện nay, bao gồm chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững, dịch chuyển của dòng vốn đầu tư khỏi các thị trường mới nổi truyền thống (Trung Quốc, Ấn Độ…); (iii) Những thay đổi của TTTC Việt Nam trong hai năm đại dịch Covid-19 và những vấn đề đặt ra đối với TTTC trước các xu hướng chuyển đổi và trong bối cảnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 - 2023. Qua đó, Hội thảo đã đề xuất 5 giải pháp trọng tâm: (1) Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; (2) Đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện các chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch; (3) Tiếp tục thực hiện các giải pháp để ổn định và phát triển TTCK. Đối với hệ thống ngân hàng, triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” để thực hiện các giải pháp xử lý các TCTD yếu kém và nợ xấu, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD; nâng cao quy mô, chất lượng tài sản của các ngân hàng, định chế tài chính, doanh nghiệp; (4) Tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, nâng cao kiến thức tài chính cho cộng đồng; (5) Củng cố các động lực tăng trưởng cho thị trường như chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Ngoài ra, Hội thảo cũng đã bàn luận đến các vấn đề lý thuyết, bài học kinh nghiệm của các nước trong việc ban hành và thực thi các chính sách tài chính nhằm đối phó với đại dịch.

 

Theo TS. Lê Thị Thùy Vân, những vấn đề Hội thảo luận bàn hết sức cấp thiết và quan trọng; bổ sung nhiều luận cứ khoa học, các ý kiến tham mưu, phản biện chính sách đối với vấn đề tái định hình TTTC hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Hội thảo mở ra nhiều vấn đề, nhiều hướng nghiên cứu mới cho các giảng viên, các nhà nghiên cứu; nhà hoạch định chính sách.

 

Theo https://mof.gov.vn/


Bản in