Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
4
3
4
3
6
3

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2

Tin nổi bật

Ngành Tài chính: Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô



 

Sáng ngày 15/7/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Tại điểm cầu 62 tỉnh có sự tham dự của các cơ quan tài chính địa phương.

 

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ

 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ tài chính - NSNN được triển khai trong bối cảnh các cân đối lớn vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức tích cực. Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực và trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống người dân.

 

 

Theo đó Bộ Tài chính đã chỉ đạo nhiệm vụ thu, chi NSNN quyết liệt ngay từ đầu năm. Rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế. Đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm: giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng). Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng .

 

 

Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ.

 

 

Toàn cảnh hội nghị tại trụ sở Bộ Tài chính

 

Về chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.

 

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 6 năm 2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

 

Hoàn thiện thể chế, chủ động gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh

 

Bên cạnh công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực, Bộ Tài chính cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính. Các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN; kịp thời đề xuất, ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 28/35 đề án, nhiệm vụ được giao (11 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình điều hành). Trong đó, Bộ Tài chính đã xây dựng: trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 44 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

 

 

Trong công tác điều hành giá cả, thị trường, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để tổng hợp, phân tích, xây dựng các kịch bản, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Đồng thời tập trung hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật giá năm 2023, để có hiệu lực thi hành đồng bộ từ ngày 01/7/2024. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp quản lý, điều hành giá trong 6 tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

 

 

Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đồng thời, đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam.

 

 

Đối với thị trường bảo hiểm: Trong 6 tháng đầu năm thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt khoảng 109 nghìn tỷ đồng, giảm 6,76% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản đạt 951,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,57%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 795,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,71%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,58%.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử

 

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 122/146 nhiệm vụ theo Kế hoạch, trong đó, đã hoàn thành 42 nhiệm vụ, triển khai 56 nhiệm vụ thường xuyên đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 24 nhiệm vụ theo Kế hoạch; rà soát, bãi bỏ 42 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 thủ tục và ban hành mới 13 thủ tục trong các lĩnh vực quản lý; cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định đối với 764/764 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

 

Theo kết quả tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 3/17 Bộ. Đây là năm thứ 10 liên tiếp (từ 2014 - 2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.

 

Về xây dựng Chính phủ điện tử: Hiện nay, tổng số dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 764, trong đó có 347 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 108 dịch vụ công trực tuyến một phần và 309 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Xử lý trên 9 triệu hồ sơ của 932,5 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,95%). Đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với 7,43 triệu bộ hồ sơ của hơn 72 nghìn doanh nghiệp được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia…

 

Tăng cường thanh kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương

 

Tính đến ngày 30/6/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra đã thực hiện 31,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 380,7 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 8,2 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 50 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 8,7 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 6,1 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 41,3 nghìn tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong 6 tháng đầu năm, điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 8,2 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 16,2 nghìn tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 11 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 89 vụ, số tiền thu nộp NSNN 381,4 tỷ đồng.

 

Phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024

 

Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN được giao năm 2024 ở mức cao nhất, ngành Tài chính tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó trước tiên tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đề ra.

 

Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài…

 

Đồng thời tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và Nghị quyết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

 

Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

 

Ngoài ra tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

 

Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Mặt khác tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

 

Ngành Tài chính chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027.

 

Theo https://www.mof.gov.vn/


Bản in